Tài sản của công ty hợp danh

Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn. Vậy khi thành lập Doanh nghiệp, các thành viên có thể góp các loại tài sản nào, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bài viết sau:

Với đặc điểm điển hình của loại hình công ty hợp danh là thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của doanh nghiệp, khối tài sản của Công ty hợp danh được xác định như thế nào và có tách bạch với khối tài sản của thành viên hợp danh hay không

Đây là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của các cá nhân có nhu cầu đăng ký hoạt động doanh nghiệp với loại hình công ty Hợp danh.

Theo quy định tại Điều 174 Luật doanh nghiệp 2014, tài sản của Công ty hợp danh bao gồm:

  • Tài sản góp vốn của các thành viên đã được chuyển quyền sở hữu cho công ty.

Khi góp vốn vào doanh nghiệp (bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập), thành viên công ty có thể góp tài sản là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản.

  • Tài sản tạo lập được mang tên công ty.

Trong quá trình hoạt động, tồn tại của doanh nghiệp, do nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp phải mua, nhận chuyển nhượng ,….. nhiều loại tài sản: Nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu…… Các tài sản được tạo lập này là tài sản của công ty.

  • Tài sản thu được từ hoạt động kinh doanh do các thành viên hợp danh thực hiện nhân danh công ty và từ các hoạt động kinh doanh của công ty do các thành viên hợp danh nhân danh cá nhân thực hiện.

Trong công ty hợp danh, thành viên hợp danh có quyền nhân danh công ty tiến hành hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty; đàm phán và ký kết hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao ước với những điều kiện mà thành viên hợp danh đó cho là có lợi nhất cho công ty; Sử dụng con dấu, tài sản của công ty để hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty…. Đây là các hoạt động phát sinh lợi nhuận và tạo ra tài sản. Số tài sản thành viên hợp danh thu được này (nếu có) là tài sản của công ty.

  • Các tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, các tài sản được xác lập theo quy định tại Điều 174 là tài sản của Công ty hợp danh, khối tài sản này tách bạch hoàn toàn với khối tài sản của thành viên hợp danh. Tài sản của thành viên hợp danh cũng không phải là tài sản của Công ty Hợp danh. Việc thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty chỉ là trách nhiệm liên đới mà Pháp luật buộc thành viên hợp danh phải chấp nhận khi lựa chọn loại hình doanh nghiệp này.

Hi vọng với những tư vấn của chúng tôi quý khách sẽ hiểu hơn về tài sản của công ty hợp danh để từ đó có những hoạt động kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật.

Tin liên quan